Thành phần đoàn Đại học Quốc Gia Úc bao gồm TS. Ashley Carruthers (thuộc phân hiệu trường Khảo Cổ và Nhân Chủng học) và Bà Edwina Fingleton-Smith (thuộc phân hiệu trường Fenner về Môi trường và Xã hội). Tiếp đoàn có đại diện Ban Giám Đốc cùng một số cán bộ thuộc TTNCPTNT.
Ngày làm việc thứ nhất (15/09), đoàn được đến thăm quan các làng nghề truyền thống. Điểm đến đầu tiên là làng nghề bó chổi tại xã Phú Bình – Phú Tân. Đây là một trong những làng nghề điển hình của địa phương, được duy trì đến hiện nay. Làng nghề đã góp phần tạo việc làm cho một bộ phận người dân lao động (chủ yếu là phụ nữ) để tăng thu nhập, ổn định đời sống. Sản phẩm tạo ra bao gồm chổi truyền thống (cán chổi làm bằng thân cây trúc) và chổi có cán làm bằng nhựa, được đưa đi tiêu thụ ở khắp các nơi trong tỉnh và cả các tỉnh lân cận. Tiếp đến, đoàn thăm quan làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm thuộc xã Châu Phong – Tân Châu. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ nên các sản phẩm rất tinh tế, mang tính đặc trưng dân tộc. Đây cũng chính là điểm nhấn để thu hút khách thập phương và đặc biệt là các du khách nước ngoài.
Sang ngày làm việc thứ hai (16/09), đoàn đến thăm quan xã Mỹ Hòa Hưng. Nơi đây vẫn giữ được những nét mộc mạc của làng quê, cùng không khí thoáng mát, dù vị trí nằm gần trung tâm Thành phố Long Xuyên. Tại đây, đoàn đến làm việc với Trạm y tế xã để tìm hiểu về hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương, cùng các thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoạt động. Sau đó, đoàn di chuyển đến thăm quan mô hình sản xuất rau an toàn. Dù vẫn còn có nhiều khó khăn, tuy nhiên tổ hợp tác rau an toàn đang dần tạo nên uy tín và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm đang phân phối ở siêu thị Co.opMart Long Xuyên, chợ Mỹ Bình và công ty Phan Nam. Địa phương cũng đang tạo điều kiện để giúp mô hình này phát triển thành hợp tác xã trong tương lai. Đoàn Đại học Quốc Gia Úc rất bất ngờ về sự hình thành và phát triển của tổ hợp tác rau an toàn, và tin đây sẽ là điểm học tập thú vị cho sinh viên Úc. Ngoài ra, đoàn cũng ghé làm việc với Tổ du lịch Homestay để sinh viên Úc qua đây nghỉ ngơi và có thời gian tìm hiểu Mỹ Hòa Hưng. Chiều cùng ngày, đoàn đến khảo sát vườn xoài và hệ thống đê bao tại địa bàn xã Bình Phước Xuân – Chợ Mới. Hơn 70% người dân địa phương đã chuyển sang mô hình vườn xoài và đang xây dựng hợp tác xã, đăng ký chứng nhận và thương hiệu cho xoài Bình Phước Xuân. Hệ thống đê bao nằm trong dự án Nam Vàm Nao đang góp phần vào quản lý nước trên địa bàn hiệu quả hơn.
Ngày làm việc tiếp theo (17/09), đoàn thăm quan mô hình nông nghiệp tổng hợp tại xã Mỹ Phú Đông – Thoại Sơn. Đây là mô hình canh tác lúa mùa nổi, kết hợp nuôi cá và vịt, vừa mới được chuyển đổi trong năm nay từ 1 ha diện tích lúa 03 vụ/năm. Mô hình này hướng tới việc sản xuất sạch, hạn chế và tiến tới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đoàn cán bộ Úc cũng mong muốn được đưa sinh viên Úc đến thăm quan và tìm hiều về mô hình này. Điểm đến tiếp theo là khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư – thuộc xã Văn Giáo, Tịnh Biên. Với diện tích khoảng 845 ha, rừng tràm Trà Sư hiện đang quy tụ rất nhiều động – thực vật quý hiếm, trong đó có 02 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Cùng với đó, cảnh quan xanh mát và không khí trong lành của rừng tràm cũng đã góp phần tạo nên điểm đặc biệt và tạo dấu ấn trong lòng khách tham quan. Tin rằng đây cũng sẽ là điểm thu hút sinh viên Úc khi đến tìm hiểu về sinh thái rừng.
Sang ngày làm việc thứ tư (18/09), đoàn đến thăm quan Nhà máy lương thực Vĩnh Bình (Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình – Tập đoàn Lộc Trời). Tại đây, đoàn được tìm hiểu về cách thức làm việc với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu cho công ty, cũng như các quy trình sản xuất của nhà máy từ đầu vào đến sản phẩm hoàn thiện. Ngoài ra, cũng tìm hiểu về thị trường xuất khẩu của các mặt hàng gạo. Cuối buổi làm việc, đoàn đi thăm quan trong khu vực sản xuất của nhà máy để thấy rõ hơn về từng khâu trong quy trình sản xuất. Đây cũng là một trong những đơn vị điển hình của liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lúa gạo.
Sau khi đã đến thăm quan và tìm hiểu về các địa phương, các làng nghề và mô hình sản xuất, đoàn Đại học Quốc Gia Úc đã có buổi làm việc với TTNCPTNT, đại diện Ban lãnh đạo Khoa Nông nghiệp – TNTN và Phòng QLKH-HTQT. Trong buổi họp, TS. Ashley đại diện đoàn Úc cho biết chuyến khảo sát rất thú vị, có rất nhiều điểm đặc biệt để sinh viên Úc đến tìm hiểu, khám phá và học tập tại An Giang. Trong đó, các mô hình tại xã Mỹ Hòa Hưng gây ấn tượng mạnh nhất nên phía đoàn Úc đề xuất tăng thời gian ở đây trong chương trình. Ngoài ra, hai bên cùng thảo luận và lập ra khung chương trình cho khóa học Vietnam Field School 2018. Theo đó, trường Đại học Quốc Gia Úc sẽ đưa sinh viên Úc (tối đa 25 sinh viên) đến An Giang vào tháng 01/2018. Các bên đều mong đợi một khóa học thành công và mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho sinh viên Úc vào đầu năm sau.
Bên cạnh các hoạt động khảo sát nêu trên, đoàn Đại học Quốc Gia Úc cũng được Ban Giám Hiệu Trường Đại học An Giang mời tham dự Lễ Khai Giảng năm học vào sáng ngày 18/09/2017. Buổi Lễ diễn ra long trọng và nhận được sự đánh giá rất cao từ phía đoàn Úc. Ngoài ra, đoàn Úc cũng được mời tham gia trồng cây lưu niệm trong khuôn viên trường, nhằm thể hiện sự hợp tác, gắn kết và phát triển trong mối quan hệ hai bên ./.
Võ Văn Ốc